Địa lý Najd

Ranh giới

Quang cảnh vách đá Tweig (Tuwaiq) từ phía tây. Thủ đô Riyadh nằm ngay dưới đường chân trời.

Từ najd theo tiếng Ả Rập có nghĩa là "vùng cao" và từng được sử dụng cho nhiều vùng khác nhau trên bán đảo Ả Rập. Tuy nhiên, nổi bật nhất trong số đó là vùng trung tâm của bán đảo, về đại thể có giới hạn về phía tây là các dãy núi của HejazYemen và về phía đông là vùng lịch sử Đông Ả Rập và về phía bắc là IraqSyria.

Các nhà địa lý Hồi giáo trung cổ dành một lượng lớn thời gian để tranh luận về ranh giới chính xác giữa Hejaz và Najd về chi tiết, song thường định ranh giới phía tây của Najd ở nơi nào dãy núi phía tây và thành lớp dung nham bắt đầu dốc về phía đông, và định ranh giới phía đông của Najd tại một dải đụn cát đỏ hẹp gọi là sa mạc Ad-Dahna, cách khoảng 100 km về phía đông của Riyadh ngày nay. Biên giới phía nam của Najd luôn được xác định tại vùng đụn cát lớn nay gọi là Rub' al Khali (miền hư không), trong khi biên giới tây nam được ghi dấu là các thung lũng wadi Ranyah, wadi Bisha và wadi Tathlith.

Ranh giới phía bắc của Najd có thay đổi rất lớn trong lịch sử và được chú ý ít hơn nhiều từ các nhà địa lý trung cổ. Trong các thế kỷ đầu thời kỳ Hồi giáo, Najd được nhìn nhận là mở rộng xa về phía bắc đến sông Euphrates, và chính xác hơn là "các bức tường của Khosrau", công trình này do Đế quốc Sassanid xây dựng để làm hàng rào ngăn cách bán đảo Ả Rập và Iraq ngay trước khi Hồi giáo truyền bá đến. Cách sử dụng hiện nay của thuật ngữ bao gồm khu vực Al-Yamama, song nó không phải luôn được cho là thuộc Najd trong quá khứ.

Địa hình

Giống như ý nghĩa tên gọi, Najd là một cao nguyên có độ cao dao động từ 762 m đến 1.525 m, và dốc xuống từ tây sang đông. Phần phía đông (trong lịch sử gọi là Al-Yamama) có dấu ấn là các khu dân cư ốc đảo với nhiều hoạt động nông nghiệp và mậu dịch, trong khi phần còn lại theo truyền thống là nơi người Bedouin du cư sống thưa thớt. Các đặc điểm địa hình chính yếu gồm có các núi đôi Aja và Salma tại phía bắc gần Ha'il, vùng cao Jabal Shammar và dãy núi Tuwaiq chạy qua trung tâm của vùng từ bắc xuống nam. Đặc điểm quan trọng khác là các lòng sông cạn khác nhau (wadi) như wadi Hanifa gần Riyadh, wadi Na'am tại phía nam, wadi Al-Rumah tại Al-Qassim ở phía bắc, và wadi ad-Dawasir tại mũi cực nam của Najd trên ranh giới với Najran. Hầu hết các làng và khu dân cư tại Najd nằm dọc các wadi này do chúng có khả năng bảo tồn nước mưa quý giá trong thời tiết hoang mạc khô hạn, còn các điểm khác nằm gần các ốc đảo. Theo truyền thống, Najd được chia thành các tỉnh nhỏ hình thành từ tập hợp các đô thị, làng và khu dân cư, thường tập trung tại một "thủ phủ". Các phân vùng này vẫn được người Najd công nhận cho đến nay, khi mỗi tỉnh duy trì biến thể riêng về phương ngữ và phong tục. Nổi bật nhất trong số các tỉnh cũ này là Al-'Aridh, bao gồm Riyadh và cố đô Diriyah; Al-Qassim có thủ phủ là Buraidah; Sudair tập trung tại Al Majma'ah; Al-Washm tập trung tại Shaqraa; và Jebel Shammar có thủ phủ là Ha'il. Tuy nhiên, tại Ả Rập Xê Út ngày nay, Najd được phân chia thành ba vùng hành chính: Ha'il, Al-Qassim, và Riyadh, có diện tích tổng cộng là 554.000 km².

Đô thị chính

Riyadh là thành phố lớn nhất tại Najd, và cũng là thành phố lớn nhất toàn quốc với dân số trên 5,7 triệu người vào năm 2010. Các thành phố khác gồm có Buraidah (505.845 vào năm 2005), Unaizah (138.351 vào năm 2005) và Ar Rass (116.164 vào năm 2005).[30] Các khu dân cư nhỏ hơn là Sudair, Al-Kharj, Dawadmi, 'Afif, Al-Zilfi, Al Majma'ah, Shaqraa, Tharmada'a, Dhurma, Al-Gway'iyyah, Al-Hareeq, Hotat Bani Tamim, Layla, As Sulayyil, và Wadi ad-Dawasir, khu dân cư cực nam của Najd.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Najd http://www.alriyadh.com/2005/12/26/article118387.h... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/31568/hi... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/31568/hi... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/318035/K... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://d-nb.info/gnd/4210617-5 http://www.relooney.info/SI_Milken-Arabia/0-Import... http://www.islamic-book.net/ar/Rihlat-Alnobowwah.h... http://mosab.hawarey.org/ http://www.jcpa.org/art/nypost-dg6apr03.htm